Chè Việt Nam rất có tương lai ở thị trường Pakistan

Chè Việt Nam rất có khả năng chiếm được vị trí cao hơn ở thị trường Pakistan – một thị trường có nhu cầu lớn, nếu DN Việt Nam nắm được thị hiếu cũng như cung cấp nhiều hơn những thông tin của mình.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi giao thương trực tuyến “Thương mại chè Việt Nam – Pakistan” được Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á – Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pakistan và Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chè Pakistan tổ chức vào trung tuần tháng 3.

Thông tin từ Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết: Pakistan hiện là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Năm 2011, Pakistan nhập khẩu 17.582 tấn chè từ Việt Nam (chủ yếu là chè xanh và chè làm từ các loại thảo mộc) với giá trị đạt 32 triệu USD. Sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh từng năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trên thực tế, việc giao thương giữa hai nước có thể thực hiện tốt hơn nếu giải quyết được một số rào cản giữa DN hai nước.

Rào cản

Theo ông Muhammad Hanif Jano – Chủ tịch Hiệp hội Chè Pakistan: Nhu cầu chè Việt Nam của Pakistan hiện nay lớn hơn con số 17.582 tấn rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản khiến cho DN chè 2 bên còn “e ngại”, chưa tìm được tiếng nói chung để các giao dịch được thực hiện thành công nhiều hơn. “Rào cản lớn nhất của việc giao thương chè giữa DN hai nước hiện nay là việc thiếu thông tin. DN Pakistan không biết nhiều về DN chè Việt Nam, từ đó khó xác định được uy tín của DN cũng như chất lượng sản phẩm của các DN này. Và ngược lại, DN Việt Nam cũng không có nhiều thông tin về bạn hàng của mình” – ông Muhammad Hanif Jano nhấn mạnh.

Cũng bởi lý do thiếu thông tin, nhiều vụ tranh chấp thương mại diễn làm các DN hai bên e ngại trong thực hiện hợp đồng giao dịch. Ông Shahid M.G Kiani – Đại sứ Pakistan tại Hà Nội cho biết thêm: Trong suốt khoảng thời gian 2,5 năm làm việc ở Hà Nội, với sự trợ giúp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi đã giúp giải quyết thành công 3 vụ tranh chấp hợp đồng về chè. Tuy nhiên, đó đều là các vụ tranh chấp giữa các DN lớn, dễ liên hệ nên dễ giải quyết. Trên thực tế, rất nhiều DN xuất khẩu chè Việt Nam có quy mô nhỏ, thông tin DN thiếu cho nên khi xảy ra tranh chấp sẽ khó liên hệ, dẫn đến khó giải quyết.

DN Việt Nam cũng phàn nàn về việc thiếu thông tin. Công tyTNHH Thế Hệ Mới – Vĩnh Phúc dẫn chứng tại buổi giao thương trực tuyến: Đã có lần chúng tôi thực hiện giao dịch với DN chè Pakistan nhưng sau khi nhận đủ hàng, họ “biến mất” trong khoảng gần 1 tháng mới quay lại thanh toán tiền. Lúc đó chúng tôi thực sự không biết phải làm thế nào để liên hệ nếu họ “một đi không trở lại”.

Cùng với những e ngại về việc thiếu thông tin, chất lượng và uy tín chè Việt Nam cũng là vấn đề DN Việt Nam cần quan tâm nếu muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng vững vàng hơn ở thị trường Pakistan. Theo đánh giá của một trong những DN Pakistan nhập khẩu nhiều chè nhất Việt Nam cho biết: Hiện người tiêu dùng Pakistan rất ưa chuộng các sản phẩm chè Việt Nam, đặc biệt là chè xanh. Tuy nhiên, điều khiến các sản phẩm chè Việt Nam “mất giá” chính là các DN không đảm bảo được uy tín cho các sản phẩm của mình. “Đôi khi, mẫu chè gửi sang có chất lượng rất tốt nhưng các lô hàng nhập khẩu chính thì chất lượng lại không bằng, bên cạnh đó chất lượng giữa các lô hàng cũng không ổn định” – DN này cho biết.

Giải pháp nào cho chè Việt?

Mặc dù những tồn tại trên đã khiến việc giao thương sản phẩm chè giữa DN hai nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo ông Muhammad Hanif Jano: “Chè Việt Nam rất có tương lai tại thị trường Pakistan vì những rào cản đặt ra giữa DN hai nước hoàn toàn có thể giải quyết triệt để được”.

Ông Trần Quang Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á gợi ý: Đối với các DN xuất khẩu Việt Nam cần có sự liên kết với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu. “Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín, DN sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương” – ông Huy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần những hoạt động tích cực để sớm thiết lập được trung tâm sản xuất chè, ở đó có thể xác định, phân loại được chè trước khi xuất khẩu và đảm bảo được đây đúng là sản phẩm chè mẫu đã được gửi đi, có như vậy mới đảm bảo được chất lượng chè xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng như uy tín của DN Việt Nam.

Để thông tin về DN được “phổ cập” hơn, thời gian tới, Hiệp hội Chè Việt Nam được đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. “Hiệp hội Chè Việt Nam có thể là đầu mối giới thiệu cho phía bạn các DN xuất khẩu chè có uy tín của Việt Nam. Ngược lại, Hiệp hội Chè Pakistan cũng có thể là đầu mối giới thiệu các DN chè có uy tín của mình và trên cơ sở đó các DN này sẽ thực hiện giao dịch với nhau, từ đó giúp cho nhiều hợp đồng được thực hiện thành công” – ông Huy đề xuất.

Ngoài sản phẩm chè xanh Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Pakistan nhu cầu về các sản phẩm chè đen CTC cũng rất lớn. “Việt Nam có xuất khẩu sản phẩm chè đen CTC này nhưng nhìn chung, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Pakistan. Đây chính là gợi ý cho các DN Việt Nam, nếu các DN muốn chiếm lĩnh sâu hơn thị trường đầy tiềm năng này” – ông Nguyễn Hồng Tiến – đại diện thương vụ Việt Nam tại Pakistan nhấn mạnh./.