Người thải độc cho đất để xây dựng thương hiệu chè Than Uyên

Xóa bỏ lối canh tác sử dụng nhiều hóa chất, ông Vũ Ngọc Sang đã xây dựng vùng chè Than Uyên chuẩn VietGAP, từng bước chinh phục thị trường khó tính nhất.

Cuộc chiến chống phân bón, thuốc BVTV độc hại

Vùng chè Than Uyên vốn là nông trường quốc doanh được thành lập từ năm 1959. Nhiệm vụ ban đầu là tiêu diệt thổ phỉ kết hợp khai hoang xây dựng kinh tế, bảo vệ an ninh biên giới vùng Tây Bắc. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, đặc biệt là sau khi tách huyện Tân Uyên ra khỏi Than Uyên, thủ phủ chè của tỉnh Lai Châu ngày nay rộng hơn 3.400ha, trong đó có khoảng 500ha do Công ty cổ phần trà Than Uyên quản lý, 700ha diện tích công ty liên kết với các hộ dân. Giống chè shan tuyết đặc sản trên vùng núi cao từ lâu không chỉ là sinh kế của hàng vạn đồng bào mà còn là sản phẩm đặc trưng của vùng đất “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”. Nhưng cũng giống như nhiều vùng chè khác ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, nghề chè ở Than Uyên cứ trầy trật, gian truân mãi.

Nghề chè ở Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Nghề chè ở Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần trà Than Uyên Vũ Ngọc Sang, gốc gác dưới Thái Bình, gắn bó với vùng chè này từ hồi còn trai trẻ. Vốn là người quyết liệt, ngay sau thời điểm cổ phần hóa từ năm 2014, ông đã quyết định làm một cuộc cách mạng để thay đổi số phận vùng chè này.

“Đất đai ngày trước của Nhà nước, cây chè cũng của Nhà nước, đời sống bấp bênh nên bà con không mặn mà chăm bón. Có phân gì thì bón, có thuốc gì thì phun, chất lượng chè ra sao, xuất bán thế nào cũng không ai quan tâm cả. Vụ này qua vụ khác, năm này qua năm khác, lối canh tác truyền thống ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cho nên dù có nhiều lần gặp hậu quả nặng nề cũng rất khó để vận động người dân thay đổi”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần trà Than Uyên tâm sự.

Suốt một thời gian dài, người trồng chè ở Than Uyên quá lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, thậm chí bà con còn dùng cả thuốc trừ cỏ. Hậu quả là nhiều diện tích chè bị thoái hóa, giảm năng suất, đất đai ngày càng cằn cỗi, còn sản phẩm có nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường. Dù cho vùng nguyên liệu rộng bạt ngàn, nhiều đối tác, nhà đầu tư tìm đến liên kết nhưng thương hiệu chè Than Uyên vẫn cứ đì đẹt, nhất là khi đem so sánh với những vùng chè nức tiếng khác như Tân Cương (Thái Nguyên), Suối Giàng (Yên Bái) lại càng lép vế. Đó dường như cũng là nguyên nhân chính khiến đời sống dân vùng chè vẫn còn vất vả, nhiều người phải bỏ nghề chè đi làm công việc khác.

Thải độc cho đất, hồi sinh vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Thải độc cho đất, hồi sinh vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Năm 2017, sau khi hoàn thành cổ phần hóa công ty, xác định “sống chết với chè”, việc đầu tiên ông Vũ Ngọc Sang làm là bỏ hoàn toàn tập quán canh tác bón phân hóa học trong diện tích chè công ty quản lý. Đối với diện tích liên kết với bà con, phía công ty cũng khuyến cáo thay đổi, sử dụng phân bón vi sinh, bởi nếu đất không khỏe, nghề chè không thể nào khá được.

Để cấp thiết thải độc cho đất đai vùng chè, Công ty cổ phần trà Than Uyên đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc nhằm cung ứng các chủng loại phân bón, nhất là phân bón hữu cơ theo cơ chế đặt hàng. Hằng năm, phía Quế Lâm cử chuyên gia lên vùng chè nguyên liệu của Than Uyên lấy mẫu đất về nghiên cứu thành phần, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất ra các chủng loại phân bón phù hợp.

Sau quá trình nghiên cứu, các chủng loại phân bón vi sinh được sản xuất và đưa sử dụng riêng cho vùng chè. Đó là các sản phẩm phân hữu cơ khoáng chuyên chè 15-3-3-2+Te, phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm 01, 03… Nhờ đó, đất đai được cải tạo tơi xốp, có nhiều mùn, rễ cây phát triển mạnh, nhiều búp non, đều búp, tán đẹp, vùng chè nguyên liệu được hồi sinh.

Ngoài phân bón, thuốc BVTV hóa học cũng dần bị loại bỏ. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trong danh mục được cấp phép của Bộ NN-PTNT, ông Sang cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn bà con tự sản xuất thuốc BVTV sinh học từ thảo dược để sử dụng. Vừa đảm bảo an toàn vừa giúp chất lượng chè Than Uyên được nâng cao.

Các nhà khoa học hỗ trợ người dân thực hiện quy trình an toàn sinh học cho vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Các nhà khoa học hỗ trợ người dân thực hiện quy trình an toàn sinh học cho vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhằm thuyết phục người dân loại bỏ phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại, Công ty cổ phần trà Than Uyên cam kết, những hộ dân tham gia sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ sẽ được thu mua bao tiêu với giá cao hơn thị trường, được hưởng các chính sách tạm ứng vật tư, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác… Dần dần người dân vùng chè thấy rõ được hiệu quả và tuân thủ theo đúng các quy định nghiêm ngặt phía công ty đưa ra.

Mùa chè ở Than Uyên bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11, trung bình có khoảng 4 lứa, mỗi lứa kéo dài hơn 40 ngày. Kể từ khi thực hiện theo tiêu chuẩn chè sạch, tất cả quy trình của bà con đều được kiểm tra, giám sát. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích chè gần 500ha của Công ty cổ phần trà Than Uyên hiện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều diện tích đang xây dựng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, 700ha chè của hơn 600 hộ dân liên kết với công ty ở các xã Mường Khoa, Trung Đồng, Thân Thuộc, thị trấn Tân Uyên… cũng từng bước được thải độc.

Người thải độc cho đất, xây dựng vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Người thải độc cho đất, xây dựng vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh. 

“Trước đây do sử dụng nhiều phân đạm, thuốc BVTV hóa học dẫn đến đất đai bị cằn cỗi nên chè Than Uyên thường có vị đắng, chè búp tươi khó bảo quản, dễ bị ôi ngốt khi thời tiết nắng nóng và không có hương đặc trưng của chè shan tuyết vùng cao. Nhờ thay đổi canh tác theo quy trình an toàn giúp cây chè không bị sâu bệnh, nội chất chè cũng thay đổi, giúp sản phẩm ngon và thơm hơn”, Thào A Chinh, người Mông ở bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) phấn khởi.

Chè Than Uyên đã có thể chinh phục thị trường khó tính nhất

Mỗi năm vùng chè nguyên liệu của Công ty Than Uyên sản xuất ra hơn 2.000 tấn chè khô các loại, trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành chè Việt Nam, thường xuyên xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Trung Đông, Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Mỹ… Doanh thu hằng năm vào khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài nhà máy chế biến chè xanh với công suất gần 100 tấn/ngày, hiện Công ty cổ phần trà Than Uyên đang xây dựng thêm một nhà máy ở xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) để đảm bảo chế biến, bao tiêu đầu ra cho người dân vùng chè. Mày mò nghiên cứu từ thực tiễn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần trà Than Uyên cũng chính là cha đẻ của dây chuyền sản xuất tự động hóa sản xuất, chế biến chè giúp giảm số lao động từ 50 người/ca xuống dưới 10 người/ca.

“Huyện Tân Uyên có 7 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, diện tích đất nông nghiệp hơn 58.300ha, trong đó có khoảng hơn 3.400ha chè với sản lượng búp tươi tầm 26.500 tấn… Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây chè là kinh tế chủ lực, là sinh kế của các đồng bào dân tộc ở Tân Uyên nên khát vọng của chúng tôi là làm sao người dân có thu nhập ổn định, thậm chí là làm giàu từ cây chè”, ông Vũ Ngọc Sang chia sẻ.

Mô hình cây ăn quả cho hiệu quả cao ở vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình cây ăn quả cho hiệu quả cao ở vùng chè Than Uyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Để hiện thực khát vọng nâng cao đời sống người dân vùng chè, ngoài chiến lược tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng chè, Công ty cổ phần trà Than Uyên cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè lâu năm, già cỗi để trồng cây ăn quả. Hiện đã có 200ha cây mắc ca trồng xen chè, 30ha mít, 15ha hồng xiêm, 30ha dứa, 10ha bơ…, tất cả đều phù hợp với vùng đất Tân Uyên, sinh trưởng tốt. Ông Sang nói, những mô hình này thành công sẽ chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc, tiến tới xây dựng nhà máy chế biến tiêu thụ cho bà con. Đời sống người vùng chè chắc chắn sẽ khá.

Cũng nhờ thay đổi tư duy, cùng nhau xây dựng thương hiệu chè Than Uyên, năm vừa rồi Công ty cổ phần trà Than Uyên đã xuất khẩu gần 20 tấn chè khô vào thị trường EU, gần 40 tấn vào thị trường Mỹ. Cùng với đó là các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Anh… Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, vùng chè Than Uyên hôm nay đã xuất hiện những người khá giả nhờ nghề chè như gia đình bà Bùi Thị Bình, anh Nguyễn Trung Dũng ở thị trấn Tân Uyên, các hộ Thào A Xá, Hạng Thị Xa, Thào A Chinh, Thào A Số ở xã Trung Đồng.

Bây giờ dân vùng chè quen gọi ông Vũ Ngọc Sang là người thải độc cho đất để xây dựng thương hiệu chè Than Uyên.

Tác giả: Hoàng Anh