Hai doanh nghiệp ‘bắt tay’ xây dựng vùng chè hữu cơ Tân Uyên

LAI CHÂU Ngày 1/112023, Công ty Cổ phần trà Than Uyên (Lai Châu) và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Ông Vũ Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần trà Than Uyên cho biết, 100% diện tích chè của Công ty đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang xây dựng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Vũ Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần trà Than Uyên cho biết, 100% diện tích chè của Công ty đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang xây dựng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

100% diện tích chè đạt VietGAP, tiến lên chuẩn hữu cơ 

Ngày 1/11 tại Lai Châu, Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm) ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.

Ông Vũ Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần trà Than Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) chia sẻ, cây chè bắt đầu được trồng trên vùng đất Tân Uyên từ hơn 60 năm trước. Cũng giống như nhiều vùng chè khác trên cả nước, bài toán của người trồng chè ở Tân Uyên là sản xuất manh mún, tranh mua tranh bán, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học nên giá trị kinh tế không cao, đời sống người trồng chè còn vất vả…

Sớm thay đổi tư duy canh tác, kết hợp với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, đến nay, Công ty Cổ phần trà Than Uyên đang quản lý vùng nguyên liệu rộng hơn 400ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ hơn 700ha chè của hơn 600 hộ dân trong vùng, mỗi năm sản xuất ra hơn 2.000 tấn chè khô các loại, trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành chè Việt Nam. Giống chè shan tuyết thuần chủng trên vùng đất này không những mang lại thu nhập, sinh kế cho bà con mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, các nước Trung Đông, Đài Loan, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chè shan tuyết Tân Uyên ngày càng khẳng định chất lượng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chè shan tuyết Tân Uyên ngày càng khẳng định chất lượng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Xác định nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là cốt lõi, những năm qua, Công ty Cổ phần trà Than Uyên đã liên tục nghiên cứu, điều chỉnh quy trình thâm canh chăm sóc; cơ cấu lại về chủng loại, số lần bón phân trên năm; giảm tỷ lệ phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng chè búp tươi của vùng chè Tân Uyên.

Từ chỗ sản phẩm của Công ty trước đây thường có vị đắng, chè búp tươi khó bảo quản, dễ bị ôi ngốt khi thời tiết nắng nóng, không có hương đặc trưng của chè shan tuyết vùng cao do sử dụng nhiều phân đạm…, đến nay, sản phẩm của Công ty Cổ phần trà Than Uyên có hương vị riêng, vị ngọt hậu tự nhiên, màu sắc đẹp, khách hàng luôn có ấn tượng tốt và đánh giá tích cực.

Để đạt được những thành tựu đó, giải pháp của Công ty Cổ phần trà Than Uyên là thay đổi quy trình bón phân, sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, thu hái chè… Đặc biệt từ nhiều năm trước, Công ty đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc nhằm cung ứng các chủng loại phân bón, nhất là phân bón hữu cơ; tư vấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, quy trình, kỹ thuật bón phân cho cây chè… theo cơ chế đặt hàng riêng cho vùng chè Tân Uyên.

Chè shan tuyết Tân Uyên - tinh hoa giữa mây trời. Ảnh: Hoàng Anh.

Chè shan tuyết Tân Uyên – tinh hoa giữa mây trời. Ảnh: Hoàng Anh.

Hàng năm, Tập đoàn Quế Lâm cử chuyên gia lên vùng chè nguyên liệu lấy mẫu đất về nghiên cứu thành phần, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất ra các chủng loại phân bón phù hợp. Nhờ đó, đất đai được cải tạo, vùng chè nguyên liệu được hồi sinh, tư duy sản xuất của nông dân từng bước thay đổi. Toàn bộ diện tích chè của Công ty Cổ phần trà Than Uyên hiện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều diện tích đang xây dựng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Ngoài chiến lược tập trung nâng cao sản lượng, chất lượng chè, Công ty Cổ phần trà Than Uyên cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè lâu năm, già cỗi để trồng cây ăn quả. Đến nay, đã có 200ha cây mắc ca trồng xen chè, 30ha mít, 15ha hồng xiêm, 30ha dứa, 10ha bơ…, tất cả đều phù hợp với đất Tân Uyên, sinh trưởng tốt.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần trà Tân Uyên đánh giá, tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của Tân Uyên còn rất lớn. Những mô hình cây ăn quả này tới đây sẽ được Công ty chuyển giao kỹ thuật, giống cho bà con, mục tiêu là phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng chè.

Người trồng chè ở Tân Uyên ngày càng được nâng cao về nhận thức và trình độ canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: Hoàng Anh.

Người trồng chè ở Tân Uyên ngày càng được nâng cao về nhận thức và trình độ canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: Hoàng Anh.

“Nhờ thay đổi quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên mấy năm nay diện tích chè của Công ty không bị sâu bệnh; nội chất chè cũng thay đổi, ngon và thơm hơn, sản phẩm trà Tân Uyên đã có thể đi vào những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Anh, Mỹ…”, ông Vũ Ngọc Sang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần trà Than Uyên phấn khởi.

Cùng lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Với chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu trực tiếp vào thị trường cao cấp, đặc biệt là xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững để lan toả đến bà con trong vùng, Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc đã ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất chè và cây trồng khác theo tiêu chuẩn hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung ứng các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học… tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc đã ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc đã ký kết hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Bên cạnh đó, hai bên phối hợp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nông dân, người sản xuất nhằm thay đổi nhận thức và nâng cao kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; hướng dẫn bà con nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, các chế phẩm sinh học… mang thương hiệu Quế Lâm trong quá trình sản xuất các vùng chè nguyên liệu và cây trồng khác. Cùng nhau tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm chè, cây trồng khác sản xuất theo quy trình hữu cơ, tuần hoàn đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế…

Ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm khẳng định: Hợp tác với Công ty Cổ phần trà Than Uyên chính là chiến lược của Tập đoàn để cùng nhau lan toả nông nghiệp tử tế. Đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn không chỉ là mục tiêu kinh tế, môi trường mà còn vì mục tiêu mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

“Những năm qua, Tập đoàn Quế Lâm đã thành công ở nhiều địa phương khác trên cả nước và việc hợp tác với Công ty Cổ phần trà Than Uyên chắc chắn cũng sẽ thành công, góp phần khẳng định thương hiệu chè Tân Uyên và thay đổi tư duy, tạo chuyển biến về nông nghiệp trách nhiệm đến bà con nông dân”, ông Bá nói.

Vùng chè Tân Uyên chuyển mình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Vùng chè Tân Uyên chuyển mình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: Huyện Tân Uyên có diện tích đất nông nghiệp hơn 58,3 nghìn ha, khí hậu điển hình là nhiệt đới núi cao Tây Bắc. Với tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, những năm qua, Tân Uyên đã từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung với một số loại cây trồng chủ lực của huyện. Trong đó, tổng diện tích cây chè gần 3,4 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi toàn huyện khoảng 26.500 tấn; cây mắc ca hơn 1,6 nghìn ha; cây ăn quả khác khoảng 753,65ha, sản lượng hơn 13,5 nghìn tấn…

“Từ sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc, huyện Tân Uyên hi vọng không chỉ xây dựng thành công các mô hình chè hữu cơ mà còn mở rộng sản xuất hữu cơ, tuần hoàn sang các loại cây trồng, vật nuôi khác”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, ông Lê Thanh Huy kỳ vọng.