Công ty Cổ phần Trà Than Uyên: Cổ phần hóa để phát triển toàn diện

Từ năm 2011, trong bối cảnh mà ngành chè cả nước nói chung, ngành chè Lai Châu nói riêng gặp nhiều khó khăn; đời sống của người trồng và sản xuất chế biến chè bị ảnh hưởng. Nhưng do thực hiện tốt chiến lược trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là từ sau khi cổ phần hóa năm 2007, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, huyện Tân Uyên đã có những bước tiến quan trọng. Thu nhập cũng như đời sống của công nhân và người trồng chè không ngừng được nâng cao. Giờ đây, cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của công nhân cũng như người trồng chè.

Cũng như nhiều gia đình công nhân khác ở Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, huyện Tân Uyên, gia đình chị Bùi Thị Bình, công nhân Tổ sản xuất nông nghiệp số 7 đã coi cây chè giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là nhân tố quan trọng giúp gia đình chị có của ăn, của để. “Không như những năm trước, thu nhập từ chè vô cùng bấp bênh nên công nhân chè chúng tôi rất vất vả, đủ ăn đã khó nói gì đến được hưởng những chế độ khác. Thật may là tình trạng đó giờ đã chấm dứt, giờ đời sống của người công nhân như chúng tôi được nâng lên; các chế độ như bảo hiểm, thưởng được nhiều hơn. Mức thu mua chè mà công ty đưa ra luôn có giá cả ổn định. Không chỉ tôi mà mọi người trong công ty cũng phấn khởi” – Chị Bình vui vẻ cho chúng tôi biết như vậy.

Được biết nguồn thu chính của gia đình chị Bình là từ 4,1 ha chè của công ty giao khoán, thu nhập từ nguồn chè luôn đạt từ 9 – 10 triệu đồng/tháng. Nhờ cây chè mà một mình chị đã nuôi được 2 con ăn học và xây được căn nhà khang trang, mua được một số vật dụng gia đình đắt tiền…

Trong khi, sản lượng chè búp tươi của phần lớn các doanh nghiệp, HTX sản xuất – kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ năm 2011 đến nay đều giảm mạnh và không ít người lao động thiếu việc làm thì Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, huyện Tân Uyên vẫn đạt sản lượng và doanh thu cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 3.000 tấn; chè búp khô ước đạt gần 600 tấn, vượt 50% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hơn 500 tấn chè khô sơ chế, doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2011. Những kết quả này là khẳng định sự kiên trì thực hiện ba chiến lược sản xuất kinh doanh của Công ty trong suốt 5 năm sau khi chuyển đổi sang cổ phần hóa năm 2007. Đó là chiến lược quản lý vùng nguyên liệu, chiến lược sản phẩm và chiến lược chế biến chè. Ông Vũ Ngọc Sang, Giám đốc Công ty khẳng định: Mục đích của việc cổ phần hóa công ty là để tìm ra một hướng đi mới, thoát khỏi những cái cũ tồn tại trước đây. Đến giờ đã khẳng định sự đúng đắn khi chúng tôi rẽ sang hướng đi này. Tuy nhiên, việc cổ phần cũng kéo theo nhiều những khó khăn, chính vì vậy công ty đã xây dựng 5 chương trình trọng điểm và 8 giải pháp nhằm tập trung phấn đấu nâng cao và mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ khâu thâm canh chăm sóc đến khâu thu mua nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản nguyên liệu đều được triển khai một cách hợp lý. Cùng với đó, chúng tôi cải tiến công nghệ chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao doanh thu, nâng cao thu nhập cho đời sống công nhân trong công ty.

Dẫn chứng cho những lời mình vừa nói bằng những số liệu cụ thể như: 5 năm thực hiện Cổ phần hóa, để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, Công ty đã tiến hành đầu tư nhiều thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ: như lắp đặt dây truyền chế biến chè San tuyết chất lượng cao; hệ thống máy xấy, máy xào, máy chế biến chè đen… sản phẩm của công ty đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường và từng bước chiếm lĩnh được thị trường khó tính như: Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… Doanh thu của công ty cũng tăng lên từ 30 tỷ đồng năm 2006 lên 65 tỷ đồng năm 2011; thu nhập và đời sống của công nhân và người dân trồng chè không ngừng được nâng cao, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng hiện nay là 4 triệu đồng, tăng 15% so với thời điểm cuối năm 2011.

Với cách làm đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, những năm qua Công ty Cổ phần Trà Than Uyên không chỉ đảm bảo công ăn việc làm cho gần 350 công nhân, lao động và hàng nghìn hộ trồng chè, mà Công ty còn giải quyết công ăn việc làm cho gần 100 hộ dân tái định cư công trình thủy điện Huội Quảng – Bản Chát trên địa bàn huyện, giúp họ an tâm định cư tại nơi ở mới.