Hiệu quả từ mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

(BLC) – Sau 2 năm triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã đem lại những tín hiệu đáng mừng. Đây cũng chính hướng đi mới cho người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chè.

Năm 2010, được sự tài trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 27ha. Đến tháng 5/2012, mô hình này được nhân rộng ra 105,4ha.

Các hộ trồng chè trên địa bàn thị xã Lai Châu thăm quan mô hình
sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên.

Anh Nguyễn Quang Trung – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Than Uyên cho biết: “Để mô hình sản xuất chè VietGAP đạt hiệu quả cao, trước khi thực hiện mô hình, Công ty đã cử hơn 100 cán bộ, công nhân đi tập huấn quy trình sản xuất chè VietGAP. Diện tích chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được khoanh vùng, đánh lô, số thửa để Công ty tiện so sánh, đối chiếu. Điều đáng mừng là sản phẩm sau khi thu hoạch không chỉ được nhiều khách hàng ưa chuộng mà còn đáp ứng được những thị trường khó tính trong và ngoài nước”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần đáng kể đưa doanh thu của Công ty ngày một tăng và số lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng năm 2011, doanh thu của Công ty đạt 66,523 tỷ đồng (tăng 215,28% so với năm 2006); xuất khẩu 472,71 tấn chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 28,77% trong tổng sản phẩm tiêu thụ của Công ty). Thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Người dân thu hoạch chè trồng theo quy trình sản xuất chè VietGAP tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên.

Không những thế, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô sẽ không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định.

Hiên nay, toàn tỉnh có hơn 3.000ha chè và có 5 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè; 132 cơ sở chế biến chè mini. Sản phẩm chè búp khô có giá bán thấp và sức tiêu thụ ở phạm vi nhỏ hẹp, chủ yếu bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường dễ tính như: Trung Quốc, Đài Loan, Pakitstan. Là cơ quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về ưu điểm của mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức cho hơn 20 hộ dân trồng chè trên địa bàn thị xã thăm quan, học hỏi mô hình tại Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Đồng thời, phối hợp với 2 huyện: Tam Đường, Tân Uyên và thị xã Lai Châu rà soát và quy hoạch vùng chè để tiến tới triển khai áp dụng.

Trong khi chiến lược phát triển cây chè đang được tỉnh và các ngành chức năng quan tâm phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng, thì việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất chè rất cần được nhân rộng ra nhiều vùng chè trong tỉnh.