Người đàn ông và duyên nghiệp với cây chè tây bắc

Một chặng đường dài gắn bó, sẻ chia với cây chè miền Tây Bắc, dường như ý vị của cây chè đã thấm sâu vào huyết quản và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Bao nhiêu năm qua, người Doanh nhân chân chất, hồn hậu ấy đã vươn lên, vượt qua khó khăn và khẳng định thương hiệu của mình trên mảnh đất quê hương thứ hai, anh là Doanh nhân Vũ Ngọc Sang – Bí thư Đảng bộ – Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty cổ phần trà Than Uyên – tỉnh Lai Châu.

Gặp anh, thật khác với những gì chúng tôi tưởng tượng trên một chặng đường dài về người Giám đốc một doanh nghiệp, anh giản dị, ít nói nhưng cũng khá cởi mở chân thành. Bằng chất giọng trầm ấm của người con Tây Bắc, anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về chặng đường lập nghiệp của mình, về những năm tháng vất vả vươn lên, về chè Than Uyên với những vui buồn, những thăng trầm không thể thiếu. Từng chút một, anh như một họa sỹ tài năng tái hiện cho chúng tôi một bức tranh sinh động về chân dung của chính mình.

Sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình, lập nghiệp tại một vùng đất trải dài bởi những cánh đồng chè xanh mướt, nơi có những người làm chè cần cù, tỉ mỉ, rộn ràng tiếng cười vui, anh Sang sớm có sự thân thiết những lộc chè non mơn mởn đầu mùa, gắn bó với những bàn tay thoăn thoắt hái chè của những người nông dân. Bởi thế mà cây chè Tây Bắc gắn với anh như một mối duyên nghiệp. Nhiều năm nay, những người công nhân ở Than Uyên đã quen thuộc với hình ảnh một vị Giám đốc ngoại ngũ tuần hàng ngày cần mẫn trên cánh đồng chè, một mình mân mê với những búp chè non trên tay và trăn trở, nghĩ suy.

Anh là một kỹ sư nông nghiệp yêu nghề. Từ trước khi làm công tác quản lý cho đến khi hoạt động trong vai trò quản lý, anh vẫn tận tuỵ với chuyên môn nghiên cứu của mình và cây chè như một duyên nghiệp gắn bó với cả cuộc đời anh. Anh nghiên cứu đủ mọi thứ từ tiếp cận công nghệ chế biến chè xanh truyền thống, xây dựng vườn chè an toàn thực phẩm đến chọn mua giây chuyền thiết bị, thiết kế chế tạo máy; từ những đề tài lớn như tổng quan về sản xuất và tiêu thụ chè của Việt Nam và thế giới cho đến những dự án cụ thể như Xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở về nguyên liệu cho việc sản xuất chè xanh viên Bích Lộc Xuân theo công nghệ mới. Anh chìm đắm với những dự án nghiên cứu của mình, mải mê với cây chè vùng núi Tây Bắc. Anh nói về đất, về nước, về khí hậu cây chè ưa sống  như nói về một đứa trẻ nhỏ cần được bàn tay của con người nâng niu, chăm sóc. Giọng kể của anh nhịp nhàng đầy hứng khởi cùng các thao tác sản xuất chè xanh như diệt men, làm nguội, ép, sàng tươi, vò, sấy, sao lăn. Bằng niềm say mê với cây chè vùng núi Tây Bắc, anh Sang đã liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao và được cấp nhắc lên vai trò quản lý của công ty. Như một lẽ tất yếu, vị trí mới sẽ kèm theo những nhiệm vụ mới, những mối quan tâm mới. Tuy nhiên, không vì thành công bước đầu mà anh tự hài lòng với chính mình mà anh Sang coi đây là cơ hội để đóng góp nhiều hơn nữa sức lực của mình cho sự phát triển của cây chè Shan Tuyết Lai Châu.

Anh Vũ Ngọc Sang đã lăn lộn với công tác quản lý công ty từ thời kỳ đất nước vừa mới thoát khỏi cơ chế bao cấp đầy gian nan. Vốn là hình thành từ cơ sở nhân lực và vật lực của một nông trường quân đội từ những năm 60 nên khi bước sang thời kỳ Đổi mới, công ty Than Uyên bộc lộ những lúng túng trước cơ chế thị trường đang được Nhà nước đưa vào vận hành. Là một người đứng mũi chịu sào trong tập thể, lại là dân chuyên nghiên cứu chuyển sang làm quản lý, anh không tránh khỏi những trăn trở để tìm ra  những cách thức đi mới cho công ty. Bền bỉ nghĩ suy, cuối cùng anh Sang đã chèo lại Than Uyên đạt được một dấu mốc quan trọng, mang lại sự đổi thay cơ bản cho hoạt động của công ty là đưa vào thực hiện cơ chế giao khoán (năm 1994). Để hoàn thiện cơ chế giao khoán, hằng năm anh Sang cùng công ty đều tìm cách điều chỉnh chỉ tiêu mức khoán cho phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của người lao động, sự kiên trì, tìm tòi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để xây dựng cho riêng mình một chiến lược sản xuất vùng nguyên liệu, chiến lược sản phẩm và chiến lược tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Trà Than Uyên theo thời gian cũng đơm hoa kết quả đưa trà Than Uyên ngày một phát triển bền vững đi lên. Tuy vậy, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại ập đến. Thử thách đặt ra cho vị giám đốc Vũ Ngọc Sang khi các sản phẩm chế biến từ chè trở nên quá quen thuộc, đơn điệu. Đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2008 anh Sang đã mạnh dạn chỉ đạo nghiên cứu cải tiến lò RFL – 100 và một máy vê viên để chế biến sản phẩm mới. Với năng lực của một kỹ sư nông nghiệp, sau 2 lần thử nghiệm và cải tiến, sản phẩm chè xanh viên Bích Lộc Xuân đã đạt yêu cầu về ngoại hình và nội chất, giá bán sản phẩm tăng gần 3 lần so với chè xanh truyền thống, đời sống người làm chè được cải thiện trong niềm phấn khởi của toàn thể Công ty. Sức sống của cây chè phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong khi đó sản phẩm chè tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào thị trường. Thật gian khó cho người làm chè khi bấy nhiêu cái cần gửi gắm hy vọng lại luôn trong tình thế không ổn định. Điều kiện khí hậu có những diễn biến phức tạp cùng lúc suy thoái kinh tế thế giới tác động lớn tới thị trường tiêu thụ trong những năm qua luôn đặt ra những bài toán khó cho người dẫn dắt công ty như anh. Với sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo và cương quyết, anh Sang cùng Ban giám đốc công ty đã nhanh chóng đổi mới phương án sản xuất, cải tiến, đổi mới dây truyền công nghệ, mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực về nhân lực và chất lượng sản phẩm để đảm bảo một mục tiêu vững chắc: dù thị trường biến động đến đâu vẫn luôn tiêu thụ ổn định, sản xuất đến đâu bán đến đó. Sản phẩm của Công ty vốn từng có mặt trên cả những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Đức…thì đến năm 2009 đã có mặt thêm tại Pakistan. Đây là một thành công lớn của công ty trong việc mở rộng thị trường ra thế giới, khẳng định bước trưởng thành và thương hiệu sản phẩm mà doanh nghiệp trà Than Uyên nắm giữ. Không ngủ quên trong chiến thắng, anh Sang tích cực nhắc nhở toàn công ty về ý chí hướng tới phía trước trong mọi thời điểm. Năm 2010, nền kinh tế thế giới đã phục hổi song còn đó không ít bất lợi ảnh hưởng tới ngành chè. Anh vẫn tất tả với những chủ trương mới, xây dựng và đang thực hiện 5 chương trình trọng điểm đó là: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, chương trình thương hiệu, chương trình tối đa hoá lợi nhuận, chương trình quản trị điều hành và kiểm soát nội bộ tiên tiến. Với những nhóm giải pháp cơ bản nhằm tập trung mọi nguồn lực, đổi mới toàn diện, xây dựng chiến lược tài chính bền vững, mở rộng vùng nguyên liệu theo chương trình phát triển vùng chè của tỉnh Lai Châu. Thu hút các nguồn vốn đầu tư, thực hiện hợp đồng thoả thuận hợp tác giữa Công ty CP Trà Than Uyên và SNV (tổ chức phát triển Hà Lan) xây dựng phát triển chuỗi giá trị chè về thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGap trên toàn bộ diện tích chè Công ty đang quản lý, xây dựng tầm nhìn thương hiệu, đưa thương hiệu chè Than Uyên đến với bạn hàng quốc tế. Thực hiện mô hình thí điểm sản xuất chè hữu cơ vì sức khoẻ cộng đồng trong thoả thuận hợp tác giữa Công ty CP Trà Than Uyên với tổ chức JiCa (Nhật Bản) để rồi từng bước nhân rộng mô hình sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh, tiến tới xây dựng thương hiệu chè Lai Châu.

Suốt bao nhiêu năm, mọi người luôn nhận thấy một sức làm việc không ngừng nghỉ nơi anh. Anh ít nói và thể hiện tâm huyết của mình qua những hành động thực tế, các định hướng tạo bước đột phá về chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, thị trường tiêu thụ sản phẩm và vị thế của Công ty trên thương trường, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận, nâng cao đời sống cho người làm chè và xây dựng Công ty phát triển bền vững của anh đã đi vào sự thật. Năm 2010 kinh doanh có lãi, doanh thu tiêu thụ đạt 120% so với nghị quyết đề ra, giá thu mua chè búp tươi bình quân đạt trên 4.500 đ/kg = 122% so với năm 2009, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, cả vùng chè đã thật sự tin tưởng vào anh. Trông anh vừa có cái tận tuỵ của một nhà nghiên cứu nông nghiệp với cây chè làm bạn, vừa có cái quyết đoán, dạn dày kinh nghiệm của một người làm lãnh đạo.

Anh yêu mảnh đất Than Uyên, nay là hai huyện Than Uyên và Tân Uyên, yêu những người dân lao động nơi đây. Có lẽ tình cảm đó chính là động lực thẳm nơi trái tim để anh miệt mài làm việc nhiều đến vậy. Những băn khoăn trước tình cảnh thu nhập eo hẹp của bà con luôn dằn vặt người Giám đốc có trái tim nhân ái ấy. Rồi có đợt ngân hàng siết nợ của người dân khi chưa đến hạn định làm bà con khốn đốn khiến lòng anh cũng xót xa. Phải chăng nỗi trăn trở đó khiến anh trở nên thâm trầm trong mỗi lời nói, trong mỗi việc làm. Anh cố gắng hỗ trợ cho bà con nông dân (không phải là cán bộ công nhân viên Công ty) những gì có thể như bù tiền bảo hiểm trong tiền thu mua chè búp tươi, mua sắm bảo hộ lao động, trợ cấp tiền ăn trưa theo ca… Cây chè gắn với cuộc đời anh. Và cuộc đời anh lại gắn với tâm niệm cây chè sẽ làm giàu cho vùng đất Tân Uyên, góp phần làm giàu cho đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu từ cây chè. 

Dù chỉ được gặp anh trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng những ấn tượng về anh vẫn còn đọng lại trong lòng chúng tôi thật sâu sắc. Ở anh, có một chút gì đó lặng lẽ của  một Doanh nhân đã qua nửa đời người lăn lội, cộng với trái tim nhiệt thành của người con gắn bó đời mình với mảnh đất Tây Bắc thân thương.

Sưu tầm: “100 năm lược sử Doanh nhân Việt”