Ông Giám đốc mê chè, ham nghiên cứu

Sự đam mê của ông Vũ Ngọc Sang đối với cây chè vừa xuất phát từ bản tính thích tìm tòi, sáng tạo của một nhà nghiên cứu nông nghiệp, vừa đến từ tham vọng của một ông giám đốc muốn tăng vị thế cho sản phẩm của mình để nhân viên có thu nhập cao hơn.

Ít nói nhưng cởi mở, chân thành, ông Vũ Ngọc Sang – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần trà Than Uyên (Lai Châu) – dễ tạo ấn tượng được tin cậy.

Trong căn phòng yên tĩnh giữa Hà Nội tấp nập, nhấp chén chè shan tuyết thơm nhẹ, ngọt thanh, ông nói: “Với dạng chè túi lọc, có lẽ Than Uyên là công ty duy nhất trong ngành chè không ướp hương, sản phẩm chỉ có hương thơm tự nhiên của chè”.

Ông Vũ Ngọc Sang trong lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015. Ảnh: PH

Tìm cách lên bản đồ chè Việt Nam

Năm 1990, Vũ Ngọc Sang tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp chuyên ngành kinh tế – nơi mà nhờ nó, cái gì ông cũng biết một ít, chăn nuôi có, thú y có, cơ khí, tài chính kế toán cũng có. Nhờ thế mà khi về làm ở nhà máy thủy điện nhỏ thuộc nông trường chè, ông không gặp khó khăn nào.

Tuổi trẻ nhiệt huyết, ông lao vào nghiên cứu, học hỏi những kiến thức liên quan đến công việc của cơ quan và mê nhất là lĩnh vực cơ khí thủy điện. Cái sự “gì cũng biết” khiến ông được điều chuyển từ tổ điện qua nhiều bộ phận. Năm 1995, đang phụ trách đội nông nghiệp, ông được điều sang làm đội trưởng đội cơ khí chế biến – tức là quản lý cả cơ khí, xây dựng và chế biến. Đó là lúc sự nghiệp của ông thực sự gắn bó với chè.

“Khi về tổ cơ khí chế biến, tôi không biết gì nên phải lao vào nghiên cứu, học hỏi. Trước hết là học từ người nông dân: Sao thế nào, sấy ra sao, căn thời gian bao nhiêu, nhận biết chè đã ổn bằng cảm quan như thế nào…”. Trên cơ sở kiến thức học hỏi và kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, ông viết ra quy trình chế biến chè mà đến giờ, công ty ông vẫn đang áp dụng.

Công nhân đang thu hái chè thuộc Công ty cổ phần chè Than Uyên – Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Thảo

Năm 2002, khi ông được bầu làm phó giám đốc, sản phẩm của công ty không có tên trên bản đồ chè Việt Nam. Câu hỏi làm sao cải thiện chất lượng chè để đời sống công nhân khá hơn luôn ám ảnh ông. Khi trở thành giám đốc, ông thay đổi một số điểm trong cách quản lý.

“Người lao động phản đối dữ lắm vì họ đang quen tự do, thoải mái. Tôi lấy ví dụ cho họ hiểu: Một ngày các bác hái 50kg chè được 20.000Đ; tôi muốn với 20.000Đ đó, các bác chỉ phải hái 20kg, còn nếu vẫn 50kg thì các bác phải nhận được 40.000-50.000Đ, muốn vậy thì mình phải thay đổi cách làm, phải tạo ra sản phẩm chè tốt” – vị giám đốc kể.

Cũng với cách ân cần truyền đạt và lắng nghe đó, ông Sang đã thuyết phục được những hộ cung cấp chè là người dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao… vốn có nếp nghĩ riêng, để họ thay đổi cách làm phù hợp với công ty. Ông chia sẻ bí quyết: “Mỗi năm tôi thay đổi một chút, không thể bắt người ta thay đổi ngay được. Nói là phải đi đôi với làm. Ngoài ra tôi còn phải giải thích, tuyên truyền theo cách mà đồng bào dễ hiểu nhất”.

Với sự khéo léo, kiên trì đó của giám đốc và sự đồng lòng của người lao động, chè Than Uyên từng bước cải tiến năng suất và chất lượng, và việc giành giải Vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015 là một minh chứng cho vị trí của sản phẩm trên thị trường. Năm 2015, việc xuất khẩu chè ở Việt Nam gặp khó khăn nhưng Than Uyên không đủ hàng để xuất, thậm chí khách hàng còn phải đặt cọc 100%.

Vị giám đốc say mê nghiên cứu

Trước đây, hầu hết các nhà máy chè sử dụng dây chuyền truyền thống của Trung Quốc do thiết bị gọn, nhẹ, dễ thao tác. Tuy nhiên, các công đoạn vẫn cần nhiều sức người, năng suất thấp, lượng chè đưa vào máy vò, máy sấy không đều, ảnh hưởng đến chất lượng. Đó là chưa kể khi vò và sấy, chè phải đổ xuống nền nhà và được dùng xẻng xúc, không đảm bảo vệ sinh.

Để khắc phục, ông Sang đưa ra ý tưởng lắp đặt hệ thống băng tải gần như tự động khép kín từ khâu đầu tiên đến khi đóng gói. Hệ thống này giúp giải phóng sức lao động, tăng 130% năng suất, sản phẩm đáp ứng được những thị trường khó tính nhất như Đức, Nhật Bản, Đài Loan…

Sáng kiến “Gia công, chế tạo cải tiến dây chuyền chế biến chè xanh truyền thống thành dây chuyền chế biến chè xanh bán tự động khép kín” này cũng mang đến cho ông giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật tỉnh Lai Châu năm 2015 và được nhiều công ty chè khác đến học hỏi.

Tuy nhiên, tác giả vẫn chưa hài lòng. Ông cho biết cuối năm nay sẽ tự động hóa nốt khâu bảo quản, khi đó dây chuyền sẽ gần như tự động hoàn toàn, chỉ cần 1-2 nhân công làm thao tác đóng/mở cầu dao và vệ sinh máy.

Công nhân ở Than Uyên nhiều năm nay đã quen với hình ảnh vị giám đốc hằng ngày cần mẫn trên cánh đồng chè, mân mê những búp chè non trên tay và đăm chiêu suy nghĩ. Theo ông Vũ Hoàng Mạnh – Phó giám đốc phụ trách chế biến của Công ty chè Than Uyên, ở ông Sang vừa có cái sự tận tuỵ với cây chè của một nhà nghiên cứu nông nghiệp, vừa có cái quyết đoán, khôn ngoan của người làm lãnh đạo.

“Tinh thần sáng tạo và sự say mê công việc của ông đã truyền lửa cho toàn bộ người lao động. Trưa 12 giờ vẫn chưa nghỉ, tối có khi làm đến 11 giờ đêm. Nhìn ông, mọi người trong công ty đều cố gắng làm việc và sáng tạo” – ông Mạnh cho biết.

Nhưng cái ông Sang muốn ở nhân viên không chỉ là làm việc siêng năng. Ông muốn họ sáng tạo. “Với hội thi Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Lai Châu năm 2016, tôi tuyên truyền, khuyến khích người lao động tích cực tham gia” – vị giám đốc mê nghiên cứu khoe.

Tấm lòng với dân vùng chè

Tình yêu của ông Vũ Ngọc Sang với mảnh đất Than Uyên không chỉ dành cho cây chè mà gắn với cả người dân nơi đây. Những khó khăn trong đời sống của họ là điều khiến ông day dứt. Có lần khi vào bản thăm bà con trồng chè (không phải nhân viên công ty), thấy trẻ con vẫn phải chia ca để học do thiếu phòng ốc, ông bàn với ban giám đốc chi tiền hỗ trợ và quyên góp để xây thêm 4 lớp học tại 2 điểm trường. “Nhìn các em được đi học đầy đủ, tôi thấy ấm áp lắm” – ông nói.

Giọng bùi ngùi, ông kể về hoàn cảnh thương tâm của một gia đình mà cả hai vợ chồng đều là nhân viên của Công ty chè Than Uyên: “Hai năm trước, đứa con học lớp 5 của họ bị đuối nước, tuy cứu được nhưng sống thực vật. Cháu vẫn ăn nhưng da thịt không phát triển, chỉ có xương là dài thêm”. Cách giúp đỡ của công ty đối với cặp vợ chồng này là giao khoán thêm nhiều đất trồng chè để tăng thu nhập, ngoài việc hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi tháng.

Có lẽ vì yêu vùng đất Than Uyên, yêu những người sống trên mảnh đất này mà ông giám đốc Vũ Ngọc Sang càng có động lực tìm tòi, sáng tạo để bắt cây chè sinh lợi nhiều hơn, làm giàu cho nơi này và giúp những gia đình sống trên đó có cuộc sống ngày một khấm khá.